Nhiều dòng linh kiện, phụ tùng ô tô sắp tăng thuế kịch trần?
(HQ Online)- Thực hiện Quyết định số 229/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách thực hiện Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, Bộ Tài chính đang đề xuất một số điều chỉnh về thuế nhập khẩu ưu đãi đối với linh kiện, phụ tùng ô tô theo hướng tăng kịch trần cam kết để bảo hộ sản xuất trong nước.
Ảnh: Nguyễn Hà.
Nêu lại những quy định hiện hành về thuế nhập khẩu đối với linh kiện, phụ tùng ô tô, Bộ Tài chính cho biết, đến thời điểm này Việt Nam đã ban hành 8 Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt nhằm thực hiện các cam kết theo các Hiệp định thương mại tự do FTA. Theo quy định tại Quyết định 229, điều kiện để áp dụng mức thuế ưu đãi MFN trần theo các cam kết là các mặt hàng linh kiện, phụ tùng ô tô sản xuất trong nước phải đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và số lượng.
Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng danh mục các loại phụ tùng, linh kiện động cơ, hộp số, cụm truyền động, các loại phụ tùng, linh kiện sản xuất trong nước đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và số lượng để Bộ Tài chính có cơ sở điều chỉnh thuế suất.
Dựa trên danh mục này, Bộ Tài chính rà soát linh kiện, phụ tùng ô tô để áp dụng thuế nhập khẩu ở mức trần các cam kết thuế quan mà Việt Nam đã tham gia. Việc điều chỉnh sẽ áp dụng theo nguyên tắc: Nếu mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) hiện hành đã được quy định bằng mức trần cam kết WTO thì giữ nguyên như mức thuế hiện hành; nếu mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) hiện hành thấp hơn mức cam kết WTO thì thực hiện điều chỉnh tăng bằng mức trần cam kết WTO.
Sau khi rà soát 201 dòng thuế là các mặt hàng linh kiện, phụ tùng ô tô, Bộ Tài chính nhận thấy có 47 dòng hàng thuộc danh mục các mặt hàng trong nước đã sản xuất được, trong đó 28/47 dòng hàng đã có mức thuế suất MFN bằng mức cam kết WTO; 19/47 dòng hàng có mức thuế suất thấp hơn mức cam kết WTO thuộc đối tượng xem xét điều chỉnh tăng thuế suất lên bằng mức cam kết WTO.
Trong số 19 dòng hàng xem xét tăng thuế suất có 16/19 dòng hàng mặc dù có tên/mã hàng trong Danh mục sản xuất trong nước nhưng mô tả hàng hóa, tiêu chí, quy cách kỹ thuật của các dòng hàng này quy định tại Thông tư số 14 và Quyết định số 2840 chỉ chứa một phần của mô tả hàng hóa quy định tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.
Vì vậy, Bộ Tài chính chi tiết các linh kiện, phụ tùng có tên tại Danh mục trong nước đã sản xuất được theo Thông tư số 14 tại Chương 98 và quy định mức thuế suất bằng mức cam kết WTO nhằm đảm bảo triển khai theo đúng Quyết định số 229.
16 dòng hàng đó gồm: Kính an toàn cứng (mã 7007.11.10); kính an toàn nhiều lớp (mã 7007.21.10); ống xi lanh khác (mã 8409.99.44); thân ổ (mã 8483.30.30); bộ bánh răng và cụm bánh răng ăn khớp (mã 8483.40.90); bộ phận và phụ kiện khác của thân xe (mã 8708.29.99); phanh và trợ lực phanh (mã 8708.30.29); hộp số, chưa lắp ráp hoàn chính (mã 8708.40.13, 8708.40.14, 8708.40.19, 8708.40.25, 8708.40.27, 8708.40.29); bộ phận hộp số (mã 8708.40.92); bánh xe chưa được lắp lốp (mã 8708.70.32); ống xả và bộ giảm thanh, bộ phận của nó (mã 8708.92.20).
Đối với 3/19 mặt hàng trong nước đã sản xuất được và có mô tả tại Danh mục ban hành theo Thông tư số 14 tương tự như danh mục Biểu thuế, Bộ Tài chính điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu lên bằng mức cam kết WTO.
Cụ thể: Tăng thuế mặt hàng gương chiếu hậu dùng cho xe (mã 7009.10.00) từ 20% lên mức 25%, bằng mức cam kết WTO; mặt hàng thanh chắn chống va đập (ba đờ xốc) và bộ phận của nó (mã 8708.10.90) từ 20% lên mức 25%, bằng mức cam kết WTO; mặt hàng chân ga, chân phanh hoặc chân côn (mã 8708.99.30) từ 15% lên mức 25%, bằng mức cam kết WTO.